Xã nông thôn mới chật vật trả nợ tiêu chí

16/05/2023 11:24
Xã nông thôn mới đang đối mặt với nguy cơ rớt chuẩn do cạn lực trả nợ các tiêu chí, nhất là tiêu chí về cơ sở vật chất. Câu chuyện ở những xã nợ tiêu chí khi được công nhận.

 

Xã nông thôn mới chật vật trả nợ tiêu chí

Do thiếu phòng học nên 2 lớp học của Trường Tiểu học Đại Đồng, xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) phải học nhờ ở trụ sở UBND xã cũ

Đã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng nhiều xã vẫn còn nợ tiêu chí, nhất là các tiêu chí về cơ sở vật chất. Trả nợ tiêu chí nông thôn mới đang là vấn đề khó với nhiều xã.

Cạn lực

Năm 2021, xã An Phượng (Thanh Hà) là một trong những địa phương cuối cùng của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Thời điểm về đích, xã An Phượng vẫn còn nợ nhiều tiêu chí về cơ sở vật chất và đến nay vẫn chưa trả nợ xong. Đường giao thông nhỏ hẹp, được xây dựng từ lâu và đã xuống cấp, một số đoạn đường xóm vẫn còn đường đất. Đường nội đồng phần lớn đều chưa được cứng hóa, kênh mương thủy lợi chưa được kiên cố. Cả 3 cấp trường học vẫn trong tình trạng thiếu nhiều phòng học và các công trình phụ trợ. Xã có 5 điểm trường mầm non thì đều đã xuống cấp do được xây dựng từ lâu, hiện trường phải học nhờ ở nhà văn hóa thôn, khu dân cư. Trường tiểu học xã hiện đang thiếu 18 phòng học (chủ yếu ở điểm trường của xã Phượng Hoàng cũ). Nhiều phòng học của Trường THCS đã xuống cấp nhưng mới được sửa chữa tạm thời.

Để trả nợ các tiêu chí nông thôn mới, xã huy động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí để mở rộng đường giao thông thôn xóm, đường nội đồng và xây dựng hệ thống tiêu thoát nước trong khu dân cư. Từ đầu năm đến đầu tháng 5, nhân dân trong xã đã góp công, góp của xây dựng gần 1 km đường giao thông thôn xóm, mặt đường rộng từ 4 - 5 m, xây dựng 300 m cống thoát nước có nắp đậy. Từ nguồn vốn an sinh xã hội của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hỗ trợ, xã xây dựng công trình nhà lớp học 3 tầng 15 phòng học ở Trường Tiểu học khu A. Trong 2 năm 2021 và 2022, xã mới xây dựng được hơn 1 km hệ thống tiêu thoát nước, chưa đạt 10% kế hoạch đề ra. Khó khăn lớn nhất hiện nay với địa phương là nguồn vốn. Tất cả chỉ trông chờ vào nguồn đấu giá đất của địa phương. Hiện xã có 40 lô đất đang làm thủ tục đấu giá.

Giống như An Phượng, xã Đại Sơn (Tứ Kỳ) cũng đang khó khăn trong xây dựng cơ sở vật chất trường học và đường giao thông. Hiện 40% đường trục chính nội đồng là đường đất, không bảo đảm theo quy định mới. Về tiêu chí trường học, trên địa bàn xã chưa có bất cứ trường nào đạt chuẩn. Trường mầm non có 6 điểm trường ở các thôn cũng đã xuống cấp và không bảo đảm điều kiện học tập cho các cháu. Riêng Trường Tiểu học Đại Đồng do thiếu phòng học nên có 2 lớp phải học nhờ ở trụ sở UBND xã cũ.

Anh Phạm Sỹ Thuận, cán bộ địa chính xã cho biết, Đại Sơn đang xây dựng điểm trường mầm non và THCS ở thôn Nghĩa Xá, phấn đấu hoàn thành trong năm nay. Tổng chi phí của các công trình lên tới gần 30 tỷ đồng nhưng hiện xã mới trả cho nhà thầu 5 tỷ đồng, số tiền còn lại vẫn chưa có nguồn để trả. Để hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới của tỉnh ban hành cuối năm 2022, xã cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi đó việc huy động vốn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Nguồn kinh phí chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách cấp trên hỗ trợ và đấu giá quyền sử dụng đất ở. Nhưng đã mấy năm nay xã chưa đấu giá được lô đất nào. Hiện Đại Sơn đang chờ đấu giá hơn 40 lô đất với diện tích trên 1 ha ở thôn Mỗ Đoạn.

Xã An Phượng tranh thủ nguồn hỗ trợ của huyện Thanh Hà để đầu tư xây dựng 1,7km đường trục chính vào xã với tổng vốn đầu tư 30 tỷ đồngNguy cơ rớt chuẩn

Theo lãnh đạo xã An Phượng, việc nợ tiêu chí kéo dài là do trước khi sáp nhập xã An Lương và Phượng Hoàng có điều kiện kinh tế và chính trị khác nhau. Xã An Lương cũ kinh tế-xã hội tương đối phát triển trong khi xã Phượng Hoàng lại có thời gian dài chính trị bất ổn. Trong khi các địa phương tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới thì Phượng Hoàng lại phải tập trung để ổn định tình hình chính trị địa phương. Do vậy xã đã bỏ qua rất nhiều chương trình hỗ trợ để phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là chính sách hỗ trợ xi măng để làm đường giao thông.

“Mới đây xã đã tranh thủ được nguồn vốn của huyện để đầu tư xây dựng 1,7 km đường trục chính của xã với kinh phí 30 tỷ đồng. Phong trào hiến đất, tháo dỡ công trình mở rộng đường giao thông được người dân hưởng ứng. Ngoài ra, rất nhiều con em quê hương cũng ủng hộ hàng trăm triệu đồng để tu sửa công trình văn hóa, đường giao thông, đường điện… Dù vậy, để bảo đảm các tiêu chí xã nông thôn mới và phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao thì cần tranh thủ được nhiều nguồn lực hơn nữa”, đồng chí Nguyễn Xuân Chinh, Bí thư Đảng ủy xã An Phượng chia sẻ.

Một số tuyến đường xóm ở An Phượng vẫn còn là đường đất, nhân dân đi lại khó khăn

Giai đoạn trước năm 2021, với mỗi tiêu chí chưa đạt, các địa phương chỉ cần khởi công hoặc có phương án xây dựng (chưa cần hoàn thiện) đã được tính đạt tiêu chí này. Từ sau khi tỉnh được công nhận đạt nông thôn mới, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh chưa rà soát, thống kê số xã nợ tiêu chí. Tháng 9.2022, tỉnh ban hành Bộ tiêu chí mới. Theo quy định, để giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới các địa phương phải rà soát và thực hiện bảo đảm các tiêu chí theo bộ tiêu chí của giai đoạn mới. Thực tế cho thấy, những tiêu chí mà các xã còn nợ là do gặp phải một số khó khăn chưa thể giải quyết. Các công trình như nhà văn hóa, sân vận động trung tâm, trường học... cần vốn đầu tư lớn, trong khi nguồn thu ngân sách trên địa bàn hạn hẹp. Nợ công trong quá trình xây dựng nông thôn mới dẫn tới nhiều xã không đủ khả năng đầu tư kinh phí để tiếp tục thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Nếu không có những giải pháp để nâng cao chất lượng tiêu chí, khả năng có những xã rớt chuẩn nông thôn mới và rơi vào tình trạng nợ khó trả là điều không thể tránh khỏi. Đây là thách thức không nhỏ trong xây dựng nông thôn mới ở nhiều xã hiện nay.

Theo ông Mai Nhật Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, để trả nợ, các địa phương phải tranh thủ các nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của nhà nước để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, nhất là các tiêu chí nặng về vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, đa dạng các loại hình dịch vụ thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Khi thu nhập tăng, người dân sẽ có điều kiện đóng góp, ủng hộ xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương, chương trình nông thôn mới cũng bền vững và hiệu quả hơn.

Theo Nguồn baomoi.com

Xã nông thôn mới chật vật trả nợ tiêu chí - Nông Nghiệp