Đêm nay, người Việt Nam có thể ngắm nguyệt thực đầu tiên trong năm

05/05/2023 11:01
Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam nằm trong khu vực quan sát nguyệt thực nửa tối, hiện tượng bắt đầu lúc 22h15 tối 5/5 và đạt cực đại vào lúc 0h22 sáng 6/5.

 

Đêm nay, người Việt Nam có thể ngắm nguyệt thực đầu tiên trong năm

Hiện tượng nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra vào đêm 5/5. Ảnh: Vito Technology.

Theo timeanddate.com, vào đêm nay (5/5) hàng tỷ người trên khắp năm châu sẽ được chứng kiến hiện tượng nguyệt thực nửa tối.

Cụ thể, nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu lúc 22h15 ngày 5/5 (giờ Hà Nội) và đạt cực đại vào lúc 0h22 sáng 6/5.

Hiện tượng có thể quan sát từ các vùng lãnh thổ có Mặt Trăng ở phía trên đường chân trời, bao gồm châu Nam Cực, châu Á, Nga, Châu Đại Dương, Đông và Trung Phi.

Người dân ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ hoặc hầu hết châu Âu sẽ không quan sát được nguyệt thực nửa tối vì Mặt Trăng sẽ ở dưới đường chân trời trong toàn bộ thời điểm Trái Đất ở trong bóng của Mặt Trăng.

Vào thời điểm này trong năm, Mặt Trăng thường được gọi là “Trăng hoa”, “Trăng sữa” hoặc “Trăng ngô” - lấy cảm hứng từ những loài thực vật nở hoa vào đầu tháng 5.

Mưa sao băng "Eta Aquarid" sẽ diễn ra ngay sau nguyệt thực nửa tối. Ảnh: Justin Ng.

Trăng sẽ xuất hiện sáng và tròn trên khắp thế giới vào ngày 5-7/5. Theo timeanddate.com, đây là lần nguyệt thực nửa tối sâu nhất cho đến năm 2042.

Tương tự nguyệt thực toàn phần, hiện tượng nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Trái Đất tạo bóng che phủ lên Mặt Trăng trong trường hợp Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng sắp xếp thẳng hàng hoặc gần thẳng hàng vào những ngày trăng tròn.

Tuy nhiên với nguyệt thực nửa tối, Mặt Trăng sẽ không ở chính giữa đường thẳng giữa Mặt trời và Trái đất, mà lệch một chút. Mặt Trăng đi vào vùng bóng Trái Đất bên ngoài, được gọi là vùng nửa tối (penumbra).

Các nhà thiên văn học giải thích rằng vùng này là nơi Trái Đất che khuất một phần đĩa Mặt Trời, không phải toàn bộ. Trong khi ở vùng nửa tối, Mặt Trăng chỉ nhận được ít ánh sáng hơn từ Mặt Trời. Với mắt thường, Mặt Trăng sẽ trông tối đi nhưng không biến mất hoàn toàn.

Lần gần đây nhất có thể quan sát nguyệt thực nửa tối từ Bắc Mỹ là vào ngày 30/11/2020 và hiện tượng thiên văn đặc biệt này sẽ trở lại vào ngày 25/3/2024.

Nguyệt thực toàn phần tiếp theo - thường được gọi là “trăng máu” - sẽ diễn ra vào ngày 13-14/3 năm 2025.

Nguyệt thực nửa tối năm nay cũng xảy ra ngay trước khi trận mưa sao băng “Eta Aquarid”.

Timeanddate.com cho hay đêm 6/5 và rạng sáng 7/5 là cực điểm của mưa sao băng. Một số sao băng của nó có thể được nhìn thấy ngay cả trong lúc nguyệt thực nửa tối diễn ra đêm 5/5.

Mưa sao băng Eta Aquariid được tạo ra từ các mảnh vụn do Sao chổi Halley để lại và thường xuất hiện trong giai đoạn từ ngày 19/4 đến 28/5 hàng năm. Thời điểm lý tưởng để quan sát mưa sao băng này ở Việt Nam là từ 3h sáng 6/5 và 7/5.

Theo Nguồn baomoi.com

Đêm nay, người Việt Nam có thể ngắm nguyệt thực đầu tiên trong năm - Khoa Học